Tìm hiểu về mức đóng Đảng phí 2021 là bao nhiêu?

Cũng giống như tham gia các tổ chức khác, Đảng viên tham gia Đảng cũng phải đóng Đảng phí theo quy định. Vậy mức đóng Đảng phí 2021 là bao nhiêu?

 

1. Mức đóng Đảng phí 2021 dựa trên căn cứ nào?

 

Tôi vừa tham gia tổ chức Đảng tại cơ quan tôi đang công tác. Do là Đảng viên mới, nên tôi băn khoăn về căn cứ để tính đóng Đảng phí năm 2021 là gì? (Huunv…@gmail.com).

 

Trả lời:
Theo quy định tại Quyết định 342/QĐ-TW của Bộ Chính trị, căn cứ để tính đóng Đảng phí là thu nhập hàng tháng của Đảng viên.

Trong đó, thu nhập này bao gồm: Tiền lương, một số khoản phụ cấp; tiền công; sinh hoạt phí; thu nhập khác.

Trường hợp Đảng viên xác định được thu nhập thường xuyên thì đóng Đảng phí theo tỷ lệ % của thu nhập tháng (chưa tính trừ thuế TNCN);

Trường hợp Đảng viên khó xác định được thu nhập thì có mức đóng cụ thể hàng tháng cho từng loại đối tượng.

muc dong Dang phi 2021

Mức đóng Đảng phí năm 2021 là bao nhiêu? (Ảnh minh họa)

2. Mức đóng Đảng phí của mọi Đảng viên hiện nay là bao nhiêu?

 

Vanbanluat cho tôi hỏi, mức đóng Đảng phí của mọi đối tượng Đảng viên năm 2021 là bao nhiêu? Do tôi chưa kịp cập nhật thông tin, nên mong sớm nhận được hỗ trợ từ quý cơ quan. Tôi cảm ơn (Đinh Văn Bính – Hưng Yên).

 

Trả lời:

Về mức đóng Đảng phí hiện nay được quy định tại Quyết định 342/QĐ-TW và Công văn số 141-CV/VPTW/nb hướng dẫn thực hiện Quyết định số 342/QĐ-TW, cụ thể như sau:

– Đối với Đảng viên trong cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, mức đóng hàng tháng là 1% tiền lương, các khoản phụ cấp tính đóng BHXH, tiền công;

– Đảng viên trong Quân đội nhân dân:

+ Nếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương theo cấp bậc quân hàm, mức đóng là 1% tiền lương, các khoản phụ cấp tính đóng BHXH;

+ Là hạ sĩ quan, chiến sĩ, mức đóng hàng tháng là 1% phụ cấp;

+ Đối với công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng, mức đóng là 1% tiền lương, các khoản phụ cấp đóng BHXH, tiền công.

– Đảng viên trong Công an nhân dân:

+ Đối với Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương theo cấp bậc quân hàm, mức đóng Đảng phí là 1% tiền lương, các khoản phụ cấp tính đóng BHXH;

+ Công nhân, viên chức, người lao động hợp đồng, lao động tạm tuyển, mức đóng là 1% tiền lương, các khoản phụ cấp đóng BHXH, tiền công;

+ Trường hợp là hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn hưởng phụ cấp quân hàm; Học sinh, học viên hưởng sinh hoạt phí, mức đóng là 1% phụ cấp, sinh hoạt phí.

– Đảng viên hưởng lương bảo hiểm xã hội, mức đóng là 0,5% mức tiền lương bảo hiểm xã hội;

– Mức đóng đối với Đảng viên làm việc trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế cụ thể như sau:

+ Đảng viên làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, mức đóng là 1% tiền lương, phụ cấp tính đóng BHXH, tiền công;

+ Đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, mức đóng Đảng phí là 1% tiền lương, phụ cấp tính đóng BHXH, tiền công và các khoản thu nhập khác từ quỹ tiền lương của đơn vị.

– Đối với các Đảng viên khác ở trong nước, mức đóng cụ thể như sau:

+ Đảng viên thuộc các ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do, mức đóng là 6.000 đồng – 10.000 đồng, tùy từng địa bàn.

Riêng đối với Đảng viên ngoài độ tuổi lao động mức đóng bằng 50%;

+ Đảng viên là học sinh, sinh viên không hưởng lương, phụ cấp, mức đóng là 3.000 đồng;

+ Đảng viên là chủ trang trại, chủ cửa hàng thương mại, sản xuất kinh doanh dịch vụ, mức đóng là 15.000 đồng – 30.000 đồng, tùy từng địa bàn.

– Đối với Đảng viên sống, học tập, làm việc ở nước ngoài, thì mức đóng cụ thể với từng trường hợp như sau:

+ Đảng viên ra nước ngoài theo diện được hưởng lương hoặc sinh hoạt phí, mức đóng là 1% tiền lương hoặc sinh hoạt phí;

+ Đảng viên đi du học tự túc và Đảng viên đi theo gia đình, mức đóng là 2 USD;

+ Đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống; kinh doanh dịch vụ nhỏ, mức đóng là 3 USD;

+ Đảng viên đi xuất khẩu lao động, mức đóng là 2 – 4 USD, tùy từng nước;

+ Đảng viên là chủ hoặc đồng sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại, mức đóng là 10 USD.

3. Đảng viên dự bị có phải đóng Đảng phí không?

 

Tôi hiện đang là Đảng viên dự bị mới. Tôi chưa thấy bên tổ chức Đảng tại cơ sở nơi tôi đang sinh hoạt thông báo về việc đóng Đảng phí. Cho tôi hỏi, Đảng viên dự bị như tôi có thuộc đối tượng phải đóng Đảng phí không? (Phương Phương – Hà Nam)

 

Trả lời:

Các đối tượng phải đóng Đảng phí được Bộ Chính trị quy định cụ thể tại Quy định về chế độ Đảng phí ban hành kèm theo Quyết định số 342/QĐ-TW ngày 28/12/2010 gồm:

– Đảng viên trong các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang;

– Đảng viên hưởng lương bảo hiểm xã hội;

– Đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế;

– Đảng viên khác ở trong nước bao gồm đảng viên nông nghiệp, nông thôn, đảng viên là học sinh, sinh viên…;

– Đảng viên sống, học tập, làm việc ở ngoài nước.

Như vậy, mọi Đảng viên dù là dự bị, chính thức hay miễn sinh hoạt Đảng đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp Đảng phí.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin tại bài viết sau:

Đảng viên dự bị có phải đóng Đảng phí?

Miễn sinh hoạt Đảng có phải đóng Đảng phí?

4. Khi nào Đảng viên được miễn đóng Đảng phí?

 

Vanbanluat cho tôi hỏi, có trường hợp nào, Đảng viên được miễn đóng Đảng phí không? Có người bảo có, có người bảo không, mọi Đảng viên đều phải đóng Đảng phí. Cho tôi hỏi, quy định cụ thể về việc này thế nào? Xin cảm ơn (Vương Đức – Hà Nội).

 

Trả lời:
Mặc dù theo Điều lệ Đảng và các văn bản khác của Bộ Chính trị, việc đóng Đảng phí là nhiệm vụ của Đảng viên. Tuy nhiên, Quyết định 342 năm 2010 quy định:

Đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu có Đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí, chi bộ xem xét, báo cáo lên cấp ủy cơ sở quyết định

Do đó, có thể thấy, để được xem xét, quyết định miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí, Đảng viên phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:

– Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

– Có Đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí;

– Được chi bộ xem xét, báo cáo cấp ủy cơ sở và được cấp ủy cơ sở đồng ý.

5. Không đóng Đảng phí, Đảng viên bị xử lý thế nào?

 

Suốt hơn 5 năm sinh hoạt tại tổ chức Đảng của cơ quan tôi, tôi luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, đóng Đảng phí đầy đủ. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, do chút sơ suất, tôi đã chậm đóng Đảng phí. Tôi lo lắng không biết việc này, tôi sẽ bị xử lý thế nào? Tôi cảm ơn (Tuanbm…@gmail.com – Lâm Đồng).

 

Trả lời:
Nộp Đảng phí là quyền và nghĩa vụ của Đảng viên. Đảng viên sẽ đóng Đảng phí ở chi bộ nơi mình sinh hoạt. Về việc không đóng Đảng phí, Điều 8 Điều lệ Đảng nêu rõ:

Đảng viên không đóng Đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách Đảng viên.

Đây cũng là quy định được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu tại khoản 8.1 Điều 8 Quy định 29 năm 2016:

 

8.1- Xóa tên đảng viên

 

Chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau: đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự hủy thẻ đảng viên; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ; đảng viên hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên; đảng viên không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.

 

Như vậy, nếu không đóng Đảng phí thì Đảng viên sẽ bị xóa tên trong danh sách Đảng viên.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan