Thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu

Vì nhiều lý do như thay đổi chỗ ở, nơi làm việc nên nhiều người muốn thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Vậy, thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu thực hiện thế nào?

Khi nào được thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu?

Câu hỏi: Tôi có thấy trong thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ghi nơi đăng ký khám, chữa bệnh là bệnh viện gần nơi tôi sinh sống hiện tại. Cho tôi hỏi, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là gì? Nếu tôi muốn đổi thì khi nào được đổi? – Trần Nam (Gia Lai).

Trả lời:

Nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là gì?

Theo khoản 5 Điều 2 Luật BHYT hiện hành, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu được quy định như sau:

 

5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tiên theo đăng ký của người tham gia bảo hiểm y tế và được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.

 

Theo đó, người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương.

Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.

Việc đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT được đăng ký cơ sở y tế gần chỗ sinh sống, công tác. Trong trường hợp bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của nơi khám, chữa bệnh ban đầu thì người tham gia được chuyển tuyến để điều trị.

Khi nào được thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

Khoản 2 Điều 26 Luật BHYT 2008 quy định như sau:

 

2. Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

 

Do vậy, không phải lúc nào cũng được thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Việc thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu được thực hiện đầu mỗi quý là tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 hàng năm.

Thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (Ảnh minh họa)

Xem thêm: https://luatdanviet.com/muc-dong-bao-hiem-that-nghiep-2021-la-bao-nhieu

Hồ sơ thay đổi gồm những gì, đi đến đâu để nộp?

Câu hỏi: Thẻ BHYT tôi đang sử dụng có nơi khám, chữa bệnh tại bệnh viện huyện ở quê. Nhưng do tháng tới tôi chuyển công tác vào miền Nam nên muốn thay đổi nơi khám chữa bệnh. Xin hỏi, thủ tục thực hiện thế nào? – Khánh Vân (Hải Dương).

Trả lời:

Hồ sơ thay đổi nơi đăng ký

Theo khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ đăng ký thay đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu gồm:

– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (với người tham gia BHYT).

– Bảng kê thông tin (đối với đơn vị).

– Nộp thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng.

Nơi nộp hồ sơ

Theo khoản 3 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH, nơi nộp hồ sơ thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là:

– Với người tham gia BHYT do bảo hiểm xã hội cấp huyện thu thì nơi nộp hồ sơ là bảo hiểm xã hội cấp huyện.

– Với người tham gia BHYT tại các đơn vị do bảo hiểm xã hội cấp tỉnh trực tiếp thu thì nộp hồ sơ tại bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

Thời gian giải quyết trong bao lâu và phí như thế nào?

Câu hỏi: Tôi đang muốn thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Xin hỏi, thời gian thực hiện bao lâu và phí thế nào? – Hoàng Trang (hoangtrang…@gmail.com).

Trả lời:

Căn cứ điểm 2.2 khoản 2 Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH, thời hạn giải quyết trong trường hợp thay đổi thông tin là 03 ngày kể từ ngày người có mong muốn thay đổi nộp đầy đủ hồ sơ như trên.

Hiện nay, người tham gia BHYT có nhu cầu thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sẽ không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào để thực hiện thủ tục.

Quyền lợi BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ

Câu hỏi: Tôi đang thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Vậy trong thời gian này tôi đi khám bệnh cần giấy tờ gì để được hưởng BHYT? – Mai Ngọc (Quảng Trị).

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ.

Như vậy, người đang thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu vẫn được hưởng quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh nếu xuất trình được giấy hẹn thay đổi và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan