Tách thửa khi không đủ diện tích tối thiểu thế nào?

Hiện nay, có không ít trường hợp người dân muốn tách thửa đất để chuyển nhượng nhưng không đủ diện tích tối thiểu. Vậy, phải làm thế nào khi muốn tách thửa nhưng không đủ diện tích tối thiểu? Cùng luatdanviet.com giải đáp qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Gia đình tôi có mảnh đất ở nông thôn tại Bắc Ninh với tổng diện tích mảnh đất 135m2, tôi muốn tách thửa đất này thành 02 thửa để tặng cho con tôi: 1 thửa 70m2 và thửa còn lại 65m2. Vậy, cho tôi hỏi tôi có thể tách thửa để tặng cho con được không?

Tách thửa đất cần đáp ứng những điều kiện nào?

Việc tách thửa đất phải đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Đồng thời, cần bảo đảm phù hợp với chế độ sử dụng đất quy định tại Điều 143 và Điều 144 của Luật Đất đai. Cụ thể:

– Đáp ứng điều kiện diện tích tách thửa.

– Có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 143 Luật đất đai 2013 quy định:

 

Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

 

Như vậy, một trong những điều kiện quan trọng khi tiến hành tách thửa đất đó là diện tích tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Đối với trường hợp của bạn tách thửa đất ở nông thôn tại Bắc Ninh, căn cứ Quyết định 11/2018/QĐ-UBND ngày 05/06/2018, điều kiện tách thửa đất cụ thể như sau:

– Thửa đất chỉ được tách thửa khi người sử dụng đất đã đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp Sổ đỏ; trừ trường hợp thửa đất có Quyết định của cấp có thẩm quyền thu hồi một phần diện tích để thực hiện theo quy hoạch.

– Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại không nhỏ hơn diện tích, kích thước tối thiểu: từ 70m2 trở lên và có kích thước mỗi cạnh không nhỏ hơn 04 m.

– Không thuộc các trường hợp không được phép tách thửa đất:

+ Thửa đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai;

+ Thửa đất thuộc quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Thửa đất không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ.

Tách thửa khi không đủ diện tích tối thiểu thế nào? (Ảnh minh họa)

Muốn tách thửa nhưng không đủ diện tích phải làm thế nào?

Theo như trình bày của bạn và đối chiếu với các căn cứ trên, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách ra nhỏ hơn 70m2 và kích thước mỗi cạnh nhỏ hơn 04m nên trong trường hợp này bạn không thể tiến hành tách thửa đất.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 29. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu

 

[…]3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.

 

Áp dụng quy định trên vào trường hợp của bạn, để có thể tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu, bạn cần thực hiện đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa.

Tóm lại, để đủ điều kiện tách thửa đất thì khi tách thửa đất thành 02 thửa (01 thửa 70m2 và thửa còn lại là 65m2) bạn phải thỏa thuận với người sử dụng đất có thửa đất liền kề mua ít nhất là 05m2 để hợp thửa cho đủ 70m2.

Lưu ý: kích thước mỗi cạnh không nhỏ hơn 04 m.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan