Quy định phụ cấp thu hút của giáo viên như thế nào?

Phụ cấp thu hút là một trong những chế độ dành cho giáo viên công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Dưới đây là một số thắc mắc về vấn đề hưởng phụ cấp thu hút của giáo viên mà Luật Dân việt trích dẫn để các bạn có thông tin tham khảo phù hợp các trường hợp của mình..

Giáo viên tập sự có được nhận phụ cấp thu hút?

 

Thời gian tới, em có đến công tác ở một trường tiểu học tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vị trí là giáo viên tập sự. Vậy, cho em hỏi em có được nhận phụ cấp thu hút không? – Phạm Hồng (hongpham11…@gmail.com).

 

Trả lời:

Tại Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐ-CP có quy định như sau:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:

 

1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp xã…

 

Căn cứ quy định trên, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ là đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định 76/2019, trong đó có phụ cấp thu hút.

Vậy, bạn là giáo viên tập sự đến làm việc tại trường tiểu học thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên sẽ được hưởng phụ cấp thu hút.

Mức hưởng phụ cấp thu hút của giáo viên vùng đặc biệt khó khăn

 

Em là giáo viên dạy ở một trường tiểu học huyện miền núi, thuộc thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cho em hỏi, mức hưởng phụ cấp thu hút em được nhận là bao nhiêu? Em cảm ơn! – Khánh Lê (lekhanh…@gmail.com).

 

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút bao gồm:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:

 

1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp xã;

 

2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…

 

Đồng thời tại Điều 4 Nghị định này cũng nêu rõ:

 

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).

 

Theo đó, mức hưởng được tính theo công thức:

Phụ cấp thu hút = 70% mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên (nếu có).

Căn cứ quy định trên, bạn là đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút với mức hưởng bằng 70% theo cách tính như trên.

phu cap thu hut cua giao vien vung dac biet kho khan

Phụ cấp thu hút của giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn (Ảnh minh họa)

Khi nào giáo viên vùng đặc biệt khó khăn bị cắt phụ cấp thu hút?

 

Tôi nhận công tác tại trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn từ 02/2016 và được hưởng 70% phụ cấp thu hút. Theo một số đồng nghiệp cho biết, tới đây vào tháng 02/2021 khi đủ 05 năm hưởng phụ cấp thu hút tôi sẽ không còn được hưởng nữa (trường tôi vẫn thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn).

 

Cho tôi hỏi, có đúng sau 05 năm tôi sẽ không được hưởng phụ cấp thu hút nữa phải không?

 

Trả lời:

Căn cứ Nghị định 76/2019/NĐ-CP, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu…

Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định này quy định thời gian hưởng là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 76/2019, thời gian làm việc thực tế tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

 

1. Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn là tổng thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn), bao gồm:

 

a) Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội;

 

b) Thời gian làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu.

 

Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP nêu rõ 02 cách tính thời gian làm việc thực tế tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn:

Tính theo tháng

– Trường hợp có từ 50% trở lên thời gian trong tháng thực tế làm thì được tính cả tháng; trường hợp có dưới 50% thời gian thì không tính.

– Đối với nhà giáo đạt từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng; thời gian nghỉ hè được hưởng lương đối với nhà giáo theo chế độ quy định của cơ quan có thẩm quyền thì được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Tính theo năm

– Dưới 03 tháng thì không tính.

– Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm công tác.

– Trên 06 tháng thì được tính bằng 01 năm công tác.

Trong đó, thời gian không được tính hưởng phụ cấp thu hút gồm có thời gian đi công tác, học tập, làm việc ở vùng không có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên; nghỉ không lương liên tục từ 01 tháng trở lên…

Từ những căn cứ trên, bạn là giáo viên công tác tại trường học thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 05 năm (60 tháng).

Thời gian nghỉ thai sản có được tính để hưởng phụ cấp thu hút không?

 

Cho em hỏi về vấn đề hưởng phụ cấp thu hút với giáo viên. Vào tháng 08/2015, em có quyết định tuyển dụng vào công tác tại trường tiểu học thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Em được hưởng 70% phụ cấp thu hút. Tháng 03/2019 em có nghỉ chế độ thai sản 06 tháng.

 

Đến tháng 09/2020 trường đã thông báo cắt phụ cấp thu hút (trường vẫn còn nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn). Theo tìm hiểu thì em chưa hưởng đủ phụ cấp thu hút 05 năm. Em có hỏi thì nhà trường trả lời em đã hưởng thu hút từ 08/2015 nên đã đủ 05 năm. Cho em hỏi nhà trường trả lời đã đúng chưa? Em có được tiếp tục hưởng phụ cấp thu hút cho đủ 05 năm không?

 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút như sau:

– Mức hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

– Áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này cũng nêu rõ thời gian không được tính hưởng chế độ phụ cấp thu hút gồm:

 

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên;

 

b) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

 

c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.

 

Thời gian tính hưởng phụ cấp thu hút là 05 năm (60 tháng) làm việc thực tế tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian nghỉ việc sinh con hưởng trợ cấp BHXH không phải thời gian làm việc thực tế nên không tính hưởng phụ cấp thu hút.

Như vậy, từ thời điểm nhận công tác đến nghỉ sinh (từ 08/2015 – 03/2019), bạn có thời gian thực tế làm việc hưởng phụ cấp thu hút là 43 tháng. Vậy, sau thời gian nghỉ chế độ thai sản trở lại làm việc (từ 09/2019), bạn vẫn tiếp tục được hưởng thu hút 17 tháng  thực tế làm việc còn lại cho đủ 60 tháng.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan