[New]Toàn bộ quy định cần biết

Đối tượng nào phải nộp thuế môn bài? Trường hợp nào được miễn? Mức nộp là bao nhiêu? Thời hạn nộp khi nào? Cùng tham khảo các quy định về thuế môn bài 2021 sau đây.

1. Các trường hợp phải nộp thuế môn bài 2021?

Câu hỏi: Chào Vanbanluat, tôi mới học thêm chứng chỉ kế toán và bắt đầu vào thử việc tại một công ty về bán phần mềm học tiếng anh trẻ em, nên tôi chưa nắm được nhiều quy định về thuế, trong đó có quy định về các trường hợp phải nộp thuế môn bài 2021. Mong sớm nhận được thông tin. (Hải Yến – Cần Thơ).

Trả lời:

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp được miễn là đối tượng phải nộp thuế môn bài. Cụ thể bao gồm:

– Doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;

– Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

– Đơn vị sự nghiệp;

– Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

– Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh;

– Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức từ thứ tự số 1 đến số 5;

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

thue mon bai 2021

Thuế môn bài 2021: Toàn bộ quy định cần biết (Ảnh minh họa)

2. Mức thuế môn bài 2021 phải nộp?

Câu hỏi: Tôi có một xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi hoạt động theo mô hình kinh doanh hộ gia đình. Cho tôi hỏi, mức thuế môn bài phải nộp áp dụng đối với hình thức kinh doanh của gia đình tôi là bao nhiêu ạ? (Đinh Văn Hiếu – Đồng Nai).

Trả lời:

* Mức nộp thuế môn bài đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (doanh nghiệp, hợp tác xã…)

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức nộp lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

– Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, mức nộp thuế là 03 triệu đồng/năm;

– Đối với Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống, mức nộp là 02 triệu đồng/năm;

– Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác, mức nộp là 01 triệu đồng/năm.

Lưu ý:

– Mức thu lệ phí môn bài căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

– Tổ chức có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp): Nếu kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm (áp dụng đối với tất cả các đối tượng phải nộp thuế môn bài).

* Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình:

– Nếu doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, mức nộp là 01 triệu đồng/năm;

– Nếu doanh thu từ trên 300 – 500 triệu đồng/năm, mức nộp thuế là 500.000 đồng/năm;

– Nếu doanh thu từ trên 100 – 300 triệu đồng/năm, mức nộp thuế môn bài là 300.000 đồng/năm.

Căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài như sau:

– Trường hợp 1: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (trừ cá nhân cho thuê tài sản): Dựa trên tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh

– Trường hợp 2: Cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản

Căn cứ xác định mức đóng là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.

+ Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.

+ Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.

Lưu ý: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm sản xuất, kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài) nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.

Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm (áp dụng đối với tất cả các đối tượng phải nộp thuế môn bài).

Xem thêm: Mức thuế môn bài 2021? Ai phải nộp?

3. Hạn nộp thuế môn bài?

Câu hỏi: Chào Vanbanluat, cho tôi hỏi, thời hạn nộp thuế môn bài hiện tại có điều chỉnh gì khác không, hay vẫn theo quy định cũ là ngày 30/01 hàng năm? Xin cảm ơn (Văn Vinh – Hải Phòng).

Trả lời:

* Hạn nộp thuế môn bài?

Khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

– Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp như sau:

+ Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.

+ Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp như sau:

+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.

+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.

* Hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài như sau:

– Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nếu trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài.

4. Mức phạt khi chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài, thuế môn bài?

Câu hỏi: Tôi mới bị công ty khiển trách vì đã chậm nộp thuế môn bài 24 ngày. Cho tôi hỏi, với thời gian chậm nộp như vậy, công ty tôi có bị phạt vì vi phạm quy định thời gian nộp thuế môn bài nhiều không?

Trả lời:

* Mức phạt chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài:

Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy thuộc vào thời gian chậm nộp mà mức xử phạt sẽ khác nhau, cụ thể:

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 – 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;

– Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 – 30 ngày, trừ trường hợp cảnh cáo ở trên;

– Từ 05 – 08 triệu đồng, nếu nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 31 – 60 ngày;

– Phạt tiền từ 08 – 15 triệu đồng, nếu vi phạm một trong các hành vi sau:

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 – 90 ngày;

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Phạt tiền từ 15 – 25 triệu đồng, nếu nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Lưu ý: Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp 11,5 triệu đồng.

* Mức phạt chậm nộp thuế môn bài 2021?

Theo quy định tại Điều 42 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, số tiền phạt phải nộp do chậm nộp thuế môn bài được tính như sau:

Số tiền phải nộp phạt = Tiền phạt chậm nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp

Lưu ý:

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt: Không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:

+ Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền.

+ Trong thời gian xem xét, quyết định miễn tiền phạt.

+ Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.

5. Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài 2021?

Câu hỏi: Hiện nay, luật quy định thế nào về các trường hợp được miễn lệ phí môn bài 2021? Tôi mong sớm nhận được thông tin từ Vanbanluat (Vũ Đình Hanh – Yên Bái)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (một số khoản được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP), các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối;

– Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá;

– Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử);

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp;

– Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc;

– Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:

+ Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).

+ Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

+ Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

– Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan