Lừa đảo khi mua hàng qua mạng.

Bị lừa tiền khi mua hàng qua mạng đang xảy ra tương đối phổ biến hiện nay. Chỉ vì quá tin vào những chiêu trò, lời mời gọi từ các chủ shop online mà có không ít người đã mất tiền oan. Vậy pháp luật quy định như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người mua hàng qua mạng khi bị lừa đảo?

Câu hỏi: Cho cháu hỏi ạ. Cháu mua quần áo qua mạng facebook, bị chủ shop lừa tiền bây giờ cháu gọi điện chủ shop không nghe, nhắn tin không trả lời còn chặn cháu nữa. Bây giờ cháu phải làm sao ạ? Cháu xin chân thành cảm ơn – Hoang Nguyễn (Hưng Yên)

Trả lời:

Xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thế nào?

Tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Qua thông tin mà bạn trình bày ở trên, có thể thấy hành vi của chủ shop online mà bạn mua hàng đã có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cố ý dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền của bạn. Cụ thể, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…

 

Do không có thông tin cụ thể về số tiền bị lừa đảo nên trường hợp hành vi của người lừa đảo có đủ điều kiện cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ và tính chất phạm tội. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan cảnh sát điều tra.

+ Xử phạt vi phạm hành chính:

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Lừa đảo khi mua hàng qua mạng xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

Cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của người bị lừa đảo?

Pháp luật cho phép người bị lừa đảo có thể thực hiện các cách sau để bảo vệ quyền lợi của mình:

+ Tố giác, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Đơn tố giác của cá nhân là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu phạm tội. Theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bạn có thể tố giác về tội phạm và tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội với cơ quan có thẩm quyền: Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; cơ quan, tổ chức khác.

Trong trường hợp của bạn, bạn nên tố giác tội phạm tại Công an phường, thị trấn, Đồn Công an hoặc Công an xã theo khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

 

3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

Lưu ý, trong đơn tố giác cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở (nội dung tin nhắn trên điện thoại, qua facebook, số điện thoại, địa chỉ facebook thời gian chuyển khoản, số tài và khoản nội dung chuyển…) để có cơ sở giải quyết.

+ Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án

Trong trường hợp trên, bản chất của hành vi mua hàng qua mang là giao dịch dân sự nên khi bên bán không thực hiện đúng thỏa thuận thì bạn cũng có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết.

Theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn tức là người bán hàng đang cư trú hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

Khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm…

 

Do đó, khi khởi kiện bạn phải gửi kèm theo đơn khởi kiện những chứng cứ chứng minh ban đầu như giấy tờ việc chuyển khoản để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm tại cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng Dân sự.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan