Hợp đồng ủy quyền là gì? Có phải công chứng không?

Thực tế, có nhiều trường hợp khi thực hiện giao dịch, cá nhân có thể có mặt trực tiếp để ký kết nhưng cũng không hiếm trường hợp vì nhiều lý do mà phải ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Vậy hợp đồng ủy quyền là gì?

Hợp đồng ủy quyền là gì?

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, hợp đồng ủy quyền có các đặc điểm như sau:

– Là sự thỏa thuận giữa các bên.

– Bên được ủy quyền thực hiện “thay” công việc cho bên ủy quyền, nhân danh bên ủy quyền, chỉ thực hiện trong phạm vi ủy quyền nêu tại hợp đồng ủy quyền.

– Hợp đồng ủy quyền có thể có thù lao hoặc không. Tất cả dựa vào sự thỏa thuận giữa các bên hoặc căn cứ vào quy định của pháp luật.

– Thời hạn hợp đồng thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu không có cả hai trường hợp nêu trên thì sẽ có hiệu lực trong vòng 01 năm kể từ ngày hai bên xác lập việc ủy quyền (Điều 563 Bộ luật Dân sự).

– Bên nhận ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác nếu được sự đồng ý của bên ủy quyền hoặc vì sự kiện bất khả kháng mà nếu không ủy quyền lại cho người khác thì mục đích, việc thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của bên ủy quyền sẽ không thể thực hiện (theo khoản 1 Điều 564 Bộ luật Dân sự)…

Như vậy, nói dễ hiểu, hợp đồng ủy quyền về bản chất là sự thỏa thuận của các bên mà trong đó một bên sẽ “thực hiện thay” công việc lẽ ra bên còn lại phải thực hiện.

Có thể kể đến ví dụ như sau: Bên A muốn mua một căn chung cư tại tỉnh B nhưng vì điều kiện không cho phép nên không thể đến tỉnh B để thực hiện hợp đồng mua bán. Do đó, bên A đã làm hợp đồng ủy quyền cho bên C để bên C đến tỉnh B ký kết hợp đồng mua bán hộ cho bên A.

Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc công chứng không?

Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên. Đồng thời, Bộ luật Dân sự cũng không có quy định nào bắt buộc hợp đồng ủy quyền phải công chứng.

Ngoài ra, Điều 55 Luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định về việc công chứng hợp đồng ủy quyền mà không đề cập đến vấn đề có yêu cầu hợp đồng ủy quyền phải công chứng không.

Do đó, có thể thấy, hợp đồng ủy quyền không có quy định bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi thực hiện hợp đồng ủy quyền phải công chứng như:

– Vợ, chồng ủy quyền cho nhau trong thỏa thuận về việc mang thai hộ: Theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ chồng phải lập bằng văn bản và có công chứng:

Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng

­– Ủy quyền đăng ký hộ tịch: Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP, khi yêu cầu cấp bản sao, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký hộ tịch khác trừ kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì phải lập ủy quyền có chứng thực theo quy định.

Chỉ ngoại trừ trường hợp, người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần chứng thực việc ủy quyền…

Mẫu hợp đồng ủy quyền mới nhất

Hợp đồng ủy quyền được thực hiện do sự thỏa thuận của các bên nên không có một mẫu chính thức nào áp dụng chung cho tất cả các trường hợp.

Dưới đây là một mẫu hợp đồng ủy quyền cơ bản nhất, gồm những nội dung cần thiết nhất khi hai bên muốn lập hợp đồng ủy quyền:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN

(số…/HĐUQ)

Hôm nay, ngày ….. tháng ……. năm ………., tại …………chúng tôi gồm:

BÊN ỦY QUYỀN: (Sau đây gọi tắt là Bên A)

Ông:  ………………………………… Sinh năm:……………………………………..

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ……………..do……………..cấp ngày…./…../……

Hộ khẩu thường trú:…………………………………………………………………………..

Cùng vợ là bà:  …………………………….. Sinh năm:………………………………..

CMND/CCCD/Hộ chiếu số:……………..do…………….cấp ngày…./…../…….

Hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………………………

BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN: (Sau đây gọi tắt là Bên B)

Ông (bà):  ………………………………… Sinh năm:………………………………..

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: …………do………………….cấp ngày…./…../……

Hộ khẩu thường trú:…………………………………………………………………………..

Bằng hợp đồng này, Bên A đồng ý ủy quyền cho Bên B với những thỏa thuận sau đây:

ĐIỀU 1

PHẠM VI ỦY QUYỀN

Ghi cụ thể nội dung công việc ủy quyền, phạm vi ủy quyền mà bên B có nghĩa vụ thực hiện nhân danh bên A.………………………………………

……………………………………………………………………………………

ĐIỀU 2

THỜI HẠN ỦY QUYỀN

Thời hạn ủy quyền là…………. kể từ ngày……..tháng…….năm………

ĐIỀU 3

THÙ LAO

Thù lao hợp đồng (nếu có) do các bên tự thỏa thuận. Nếu ủy quyền có thù lao cần ghi rõ thời gian, phương thức thanh toán thù lao (kể cả trong trường hợp đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng ủy quyền) ………

……………………………………………………………………………………

ĐIỀU 4

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN A

1. Bên A có các nghĩa vụ sau đây:

– Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên B thực hiện công việc;

– Chịu trách nhiệm về cam kết do bên B thực hiện trong phạm vi ủy quyền;

– Thanh toán chi phí hợp lý mà bên B đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền và trả thù lao cho bên B, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

2. Bên A có các quyền sau đây:

– Yêu cầu bên B thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền;

– Yêu cầu bên B giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, nếu không có thỏa thuận khác;

– Được bồi thường thiệt hại, nếu bên B vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận.

ĐIỀU 5

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN B

1. Bên B có các nghĩa vụ sau đây:

– Thực hiện công việc ủy quyền theo ủy quyền và báo cho bên A về việc thực hiện công việc đó;

– Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;

– Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;

– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện ủy quyền;

– Giao lại cho bên A tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

– Bồi thường thiệt hại do vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng;

2. Bên B có các quyền sau đây:

– Yêu cầu bên A cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết nhằm thực hiện công việc ủy quyền;

– Hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền.

ĐIỀU 6

CÁC THỎA THUẬN KHÁC

– Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hợp đồng này phải lập thành văn bản có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực.

– Bên A có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho Bên B tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Bên B có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho A (nếu có).

– Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trường hợp không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 7

CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN

Bên A và Bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cùng cam đoan sau đây:

– Đã khai đúng sự thật và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin về nhân thân đã ghi trong hợp đồng này.

– Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả những thoả thuận đã ghi trong hợp đồng này; nếu bên nào vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên kia hoặc cho người thứ ba (nếu có).

ĐIỀU 8

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Hai bên đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của hợp đồng này

Hai bên đã tự đọc lại hợp đồng này, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong hợp đồng này.

    BÊN ỦY QUYỀN                                            BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN

(ký và ghi rõ họ và tên)                                       (ký và ghi rõ họ và tên)

Trên đây là giải đáp về hợp đồng ủy quyền là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Xem thêm:

Án tích là gì?

Thế chấp là gì?

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan