Hợp đồng thuê tài sản là gì trong Bộ luật Dân sự 2015?

Khi muốn thuê hoặc cho thuê tài sản, cá nhân, tổ chức thường sử dụng hợp đồng thuê tài sản. Vậy đây là gì? Được quy định thế nào trong Bộ luật Dân sự mới nhất?

Hợp đồng thuê tài sản là gì?

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Định nghĩa này được quy định chi tiết tại Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, hợp đồng thuê tài sản có những đặc điểm như sau:

– Đây là sự thỏa thuận giữa các bên khi muốn thuê và cho thuê một tài sản nào đó.

– Bên cho thuê giao tài sản thuộc quyền quản lý của mình cho bên thuê sử dụng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận.

Tài sản thuê phải được bên cho thuê giao cho bên thuê theo đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng, thời điểm, địa điểm do hai bên đã thoả thuận và cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó cho bên thuê.

– Bên thuê khi thuê sử dụng một thời gian phải trả tiền thuê tương ứng với số thời gian thuê và theo thỏa thuận của các bên hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên (trừ trường hợp có quy định khác).

Nếu trong hợp đồng, hai bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá thuê thì giá này được xác định theo giá thị trường tại thời điểm, địa điểm mà hai bên ký kết hợp đồng thuê.

Đồng thời, tiền thuê phải được bên thuê tài sản trả đủ, đúng theo thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận. Nếu hai bên không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê thì sẽ xác định thời hạn này theo tập quán nơi trả tiền.

Trong trường hợp không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê trả tiền thuê khi trả lại tài sản thuê cho bên cho thuê.

Về việc cho thuê lại, Điều 475 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.

Do đó, trong thời gian thuê mà hai bên thỏa thuận, bên thuê chỉ được quyền cho người thứ ba thuê lại tài sản nếu được bên cho thuê đồng ý.

Như vậy, có thể thấy hợp đồng thuê tài sản căn cứ vào thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ thì sẽ thực hiện theo các quy định tại Bộ luật Dân sự, các luật khác hoặc theo Luật Nhà ở (nếu tài sản thuê là nhà ở, nhà).

hop dong thue tai san la gi
Hợp đồng thuê tài sản được quy định thế nào? (Ảnh minh họa)

Mẫu hợp đồng thuê tài sản cập nhật mới nhất

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN

(Số: ………………../HĐTTS)

Hôm nay, ngày …. tháng … năm …, tại …………………………………

Chúng tôi gồm có:

Bên cho thuê (Bên A):

Ông (Bà): …………………Sinh ngày: ………………………,,,………………

CMND/CCCD số: …………… cấp ngày ………..…tại ………………………

Hộ khẩu thường trú: ……………………………………………….……………

Cùng vợ là bà/ông: ………… Sinh ngày: ………………,,,,,…………………

CMND/CCCD số: …………… cấp ngày ………..…tại ………………………

Hộ khẩu thường trú: …………………………………………………………….

Bên thuê (Bên B):

Ông (Bà): ……………………Sinh ngày: ………………………………………

CMND/CCCD số: …………… cấp ngày ………..…tại ………………………

Hộ khẩu thường trú: ……………………………………………………….……

Cùng vợ là bà/ông: …………… Sinh ngày: …………………………………

CMND/CCCD số: …………… cấp ngày …………..…tại ……………………

Hộ khẩu thường trú: ………………………………….…………………………

Hai bên cùng thỏa thuận ký hợp đồng với những nội dung sau:

ĐIỀU 1: TÀI SẢN THUÊ

Mô tả cụ thể các chi tiết về tài sản thuê và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền thuê của Bên A đối với tài sản thuê……………………………

ĐIỀU 2: THỜI HẠN THUÊ

Thời hạn thuê tài sản nêu trên là .………….., kể từ ngày ………………….

ĐIỀU 3: MỤC ĐÍCH THUÊ

Bên B sử dụng tài sản thuê nêu trên vào mục đích:………………………

ĐIỀU 4: GIÁ THUÊ VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN

4.1. Giá thuê tài sản nêu trên là: .……………(bằng chữ……………………)

4.2. Phương thức thanh toán như sau: ……………………………………….

4.3. Việc giao và nhận số tiền nêu trên do hai bên tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

ĐIỀU 5: PHƯƠNG THỨC GIAO, TRẢ LẠI TÀI SẢN THUÊ

5.1. Phương thức giao: …………………………………………………….

5.2. Trả lại tài sản

– Bên B phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thoả thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên A có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.

– Trong trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên A, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

– Trong trường hợp tài sản thuê là gia súc, bên B phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, nếu không có thoả thuận khác. Bên A phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên B.

– Khi bên B chậm trả tài sản thuê thì bên A có quyền yêu cầu bên B trả lại tài sản thuê và trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên B phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thoả thuận.

– Bên B phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.

ĐIỀU 6: NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN A

6.1. Bên A có các nghĩa vụ sau đây:

– Giao tài sản cho bên B đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng và đúng thời điểm, địa điểm đã thỏa thuận và cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó;

– Bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên B phải tự sửa chữa.

– Thanh toán chi phí sửa chữa trường hợp bên B tự sửa chữa tài sản thuê sau khi đã thông báo mà bên A không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời.

– Bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên B.

– Thông báo cho bên B về quyền của người thứ ba (nếu có) đối với tài sản thuê.

– Các thỏa thuận khác.

6.2. Bên A có các quyền sau đây:

– Nhận đủ tiền thuê tài sản theo phương thức đã thỏa thuận;

– Khi hết hạn hợp đồng, nhận lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận, nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên A có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên;

– Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu Bên B có một trong các hành vi sau đây:

+ Không trả tiền thuê trong ba kỳ liên tiếp trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

+ Sử dụng tài sản thuê không đúng mục đích, công dụng của tài sản;

+ Làm tài sản thuê mất mát, hư hỏng;

+ Sửa chữa, đổi hoặc cho người khác thuê lại mà không có sự đồng ý của Bên A;

– Các thỏa thuận khác.

ĐIỀU 7: NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN B  

7.1. Bên B có các nghĩa vụ sau đây:

– Bảo quản tài sản thuê như tài sản của chính mình, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, không được thay đổi tình trạng tài sản, cho thuê lại tài sản nếu không có sự đồng ý của bên A; nếu làm mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường;

– Sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích của tài sản;

– Trả đủ tiền thuê tài sản đúng thời hạn theo phương thức đã thỏa thuận;

– Trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; bên B phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê nếu có thỏa thuận; bên B phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuể trong thời gian chậm trả;

– Các thỏa thuận khác.

7.2. Bên B có các quyền sau đây:

– Nhận tài sản thuê theo đúng thỏa thuận;

– Yêu cầu bên A sửa chữa, giảm giá thuê hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên A chậm giao tài sản;

– Cho thuê lại tài sản đã thuê, nếu được bên A đồng ý;

– Yêu cầu bên A sửa chữa tài sản, giảm giá thuê, đổi tài sản khác trong trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên B;

– Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu:

+ Bên A chậm giao tài sản hoặc giao tài sản thuê không đúng chất lượng như thỏa thuận;

+ Bên A chậm giao tài sản theo thỏa thuận gây thiệt hại cho bên B;

+ Bên A giao tài sản thuê không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng như thỏa thuận;

+ Tài sản thuê không thể sửa chữa, do đó mục đích thuê không đạt được hoặc tài sản thuê có khuyết tật mà bên B không biết;

+ Có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên B không được sử dụng tài sản ổn định;

+ Yêu cầu bên A phải thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản thuê (nếu có thỏa thuận);

– Các thỏa thuận khác.

ĐIỀU 8: VIỆC NỘP PHÍ VÀ THÙ LAO CÔNG CHỨNG

Phí và thù lao công chứng liên quan đến việc thuê tài sản theo hợp đồng này do bên ….. chịu trách nhiệm nộp.

ĐIỀU 9: PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau.

Nếu không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.  

ĐIỀU 10: HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG

Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ………………. đến ngày ……………..

Hợp đồng được lập thành ………. (………..) bản, mỗi bên giữ một bản và có giá trị như nhau.

                      ĐẠI DIỆN BÊN CHO THUÊ                              ĐẠI DIỆN BÊN THUÊ

Trên đây là quy định về hợp đồng thuê tài sản là gì cùng với mẫu hợp đồng này mới nhất. Nếu có thắc mắc về vấn đề khác, độc giả hãy để lại câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.

Xem thêm:

Hình phạt cải tạo không giam giữ là gì? Áp dụng thế nào?

Ký quỹ là gì? Các bên có quyền, nghĩa vụ gì khi ký quỹ?

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan