Giáo viên có bắt buộc phải trực Tết không?

Ở nhiều trường học, trong dịp nghỉ Tết Âm lịch, giáo viên sẽ được phân công đến trực Tết. Vậy giáo viên có bắt buộc phải trực Tết không?

Giáo viên có được từ chối trực Tết không?

Câu hỏi: Tôi đang là giáo viên dạy văn kiêm tổng phụ trách đội của một trường cấp 2. Năm nào cũng thế, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên thay phiên nhau đến trường trực Tết. Tôi có thắc mắc là giáo viên có bắt buộc phải trực Tết không? Có được từ chối trực Tết không? – Nguyễn Thanh Thảo (nguyen…@gmail.com).

Trả lời:

Theo Điều 13 Luật Viên chức 2010, giáo viên có quyền được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định về các ngày nghỉ lễ, Tết của người lao động tại khoản 1 Điều 112 như sau:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Như vậy, nghỉ Tết là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động cũng như giáo viên. Đồng thời, Nhà nước cũng không có quy định nào yêu cầu giáo viên phải đến trường trực Tết. Vì vậy, giáo viên không bắt buộc phải trực Tết và có thể từ chối nếu muốn.

giao vien co bat buoc phai truc tet khong

Giáo viên có bắt buộc phải trực tết không? (Ảnh minh họa)

Xem thêm: https://luatdanviet.com/nam-2021-tien-luong-truc-tet-cua-giao-vien-la-bao-nhieu

Ép giáo viên trực Tết có vi phạm pháp luật?

Câu hỏi: Tôi là giáo viên dạy thể dục kiêm tổng phụ trách đội trường tiểu học. Hằng năm, trường tôi đều phân lịch cho giáo viên đến trường trực Tết. Mặc dù nhà xa nhưng tôi đều phải đến trực những 3 ngày. Theo tôi nghĩ, nghỉ Tết là quyền lợi của người lao động thì việc trực Tết cũng nên được sắp xếp phù hợp. Cho tôi hỏi, nhà trường ép giáo viên trực Tết nhiều có vi phạm quy định gì không ạ? – Lê Thị Mai (Thanh Hóa).

Trả lời:

Nghỉ Tết là một trong những quyền lợi cơ bản của giáo viên, họ có thể từ chối và không bắt buộc phải trực Tết. Nếu trực Tết, giáo viên sẽ được coi là làm thêm giờ. Đồng thời, hành vi yêu cầu giáo viên trực Tết là một trong các hành vi huy động người lao động làm thêm giờ.

Trong đó, tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động…

Như vậy, việc yêu cầu trực Tết khi giáo viên không đồng ý là vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động và có thể bị phạt hành chính đến 25 triệu đồng.

Giáo viên trực Tết có được tính thêm tiền lương làm thêm giờ?

Câu hỏi: Theo tôi biết, người lao động đều được nghỉ Tết hưởng nguyên lương. Vậy nếu giáo viên đến trường trực Tết thì có phải là làm thêm giờ không và có được trả thêm tiền làm thêm giờ không? – Hoàng Hà (Hải Dương).

Trả lời:

Căn cứ Điều 13 Luật Viên chức, giáo viên được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong đó, theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, trong các ngày Tết Dương lịch, Tết Âm lịch,… người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Vì vậy, nếu đến trường trực Tết, giáo viên sẽ được coi là làm thêm giờ. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức, giáo viên làm thêm giờ có thể được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ như sau:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Như vậy, giáo viên trực Tết có thể được tính lương làm thêm giờ phù hợp tùy theo thời gian trực.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan