Điều kiện nhận con nuôi 2021 theo quy định mới nhất

Hiện nay, có rất câu hỏi được gửi tới luatdanviet.comvề vấn đề nhận nuôi con nuôi. Sau đây, chúng tôi sẽ giải đáp một số thắc mắc về điều kiện nhận con nuôi 2021 theo quy định của pháp luật?

    • Nhà nghèo có thể nhận con nuôi được không?

Bao nhiêu tuổi được nhận nuôi con nuôi?

Câu hỏi: Tháng trước, tôi có tham gia một chương trình từ thiện ở trại trẻ mồ côi. Trong đó có một bé trai 14 tháng tuổi bị bỏ rơi, rất đáng thương. Tôi muốn hỏi, bao nhiêu tuổi thì được nhận nuôi con nuôi? Năm nay tôi mới 24 tuổi, chưa kết hôn, có cửa hàng quần áo nên kinh tế cũng tạm ổn. Vậy tôi muốn nhận bé làm con nuôi thì có được không? – Hoàng Sơn (Thanh Hóa).

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

– Có tư cách đạo đức tốt.

Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định về tuổi và điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở.

Như vậy, nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên, bạn có thể được nhận em bé làm con nuôi.

dieu kien nhan con nuoi 2021

Điều kiện nhận con nuôi 2021 (Ảnh minh họa)

Đang đi tù có được nhận con nuôi không?

Câu hỏi: Tôi nghe nói, luật quy định điều kiện nhận con là chỉ cần hơn con nuôi 20 tuổi, có sức khỏe, kinh tế đảm bảo là được. Chồng tôi đang đi tù nhưng có đứa cháu ruột mới 04 tuổi bị mất cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông. Anh ấy có nguyện vọng là sẽ được nhận nuôi cháu làm con nuôi để sau này chăm sóc. Vậy đang đi tù có được nhận con nuôi không?  – Thanh Mai (thanhm…@gmail.com).

Trả lời:

Khoản 2 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định, những người sau đây không được nhận con nuôi:

– Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

– Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

– Đang chấp hành hình phạt tù;

– Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Như vậy, chồng bạn là người đang chấp hành hình phạt tù sẽ không được nhận cháu làm con nuôi.

Có được nhận người trên 16 tuổi làm con nuôi không?

Câu hỏi: Năm 2018, anh trai ruột và chị dâu tôi mất do tai nạn giao thông. Gia đình anh trai tôi có hai cháu, cả nhà giờ chỉ còn hai chị em sống nương tựa nhau, hoàn cảnh rất khó khăn. Đứa lớn nay đã 17 tuổi còn thằng em thì mới được hơn 06 tuổi. Tôi muốn nhận cả 02 đứa làm con nuôi thì có được không? Có người bảo tôi là trên 16 tuổi thì không được nhận làm con nuôi nữa, có phải không ạ? – Nguyễn Văn Phú (nguyen…@gmail.com).

Trả lời:

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định đối với người được nhận làm con nuôi như sau:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

Theo quy định trên, bác ruột có thể được nhận cháu là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi làm con nuôi. Như vậy, theo thông tin mà bạn cung cấp, bạn có thể nhận nuôi cả 02 người cháu của mình làm con nuôi.

Ai được ưu tiên khi nhiều người cùng muốn nhận một người làm con nuôi?

Câu hỏi: Em gái tôi mang thai và sinh em bé một mình, bố đứa bé đã bỏ đi biệt tích từ lâu không tìm thấy. Do sức khỏe yếu nên lúc sinh con em tôi đã mất. Giờ em bé mới sinh không có cả cha lẫn mẹ. Tôi là bác ruột nên đương nhiên muốn nhận nuôi đứa bé. Tuy nhiên, có cặp vợ chồng hàng xóm hiến muộn cũng muốn nhận nuôi cháu, gia đình họ rất giàu có và điều kiện tốt hơn để nuôi. Xin hỏi, luật ưu tiên cho ai nuôi đứa bé ạ? – Vi Dương Bình (viduong…@gmail.com).

Trả lời:

Tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định như sau:

1. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

2. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

Như vậy, bác ruột thuộc hàng ưu tiên đầu tiên để nhận nuôi đứa trẻ. Vì thế bạn sẽ được ưu tiên nhận cháu mình làm con nuôi.

Đồng thời, khoản 3 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi cũng quy định, trường hợp bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định về tuổi (hơn con nuôi 20 tuổi trở lên) và điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi mà chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có tư cách đạo đức tốt là được.

dieu kien nhan con nuoi 2021
Điều kiện nhận con nuôi 2021 (Ảnh minh họa)

Chưa có con, đăng ký nhu cầu nhận con nuôi ở đâu?

Câu hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn đã hơn 10 năm nhưng chưa có con. Chúng tôi có đạo đức tốt, điều kiện kinh tế ổn định và rất muốn nhận nuôi con nuôi nhưng không tìm được trẻ để nhận nuôi. Vậy tôi có thể đăng ký xin giới thiệu con nuôi ở đâu? – Trần Việt Hòa (tranho…@gmail.com).

Trả lời:

Việc đăng ký nhu cầu nhận con nuôi được quy định tại Điều 16 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

Trong đó, theo Điều 14 luật này, điều kiện để nhận nuôi con nuôi là:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

– Có tư cách đạo đức tốt.

Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, bạn có thể đến Sở Tư pháp nơi thường trú để đăng ký nhu cầu nhận con nuôi.
Xem thêm: https://luatdanviet.com/huong-dan-lam-ho-so-thu-tuc-nhan-con-nuoi-2021

Nhà nghèo có thể nhận con nuôi được không?

Câu hỏi: Vợ chồng tôi sống chung đã lâu nhưng chưa sinh được con nên đã thống nhất sẽ nhận con nuôi. Tôi định đến trại trẻ mồ côi để đón một em bé về nuôi thì bà hàng xóm ngăn lại, bảo nhà tôi nghèo, không có công việc ổn định, nhà cửa vẫn đi thuê thì sẽ không được nhận con nuôi. Đúng là điều kiện gia đình tôi cũng khó khăn nhưng nếu có thêm con thì tôi nghĩ cũng cố gắng lo được. Tôi rất hoang mang, không biết nhà nghèo có thể nhận con nuôi được không? – Nguyễn Thị Xuân (Lào Cai).

Trả lời:

khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

– Có tư cách đạo đức tốt.

Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định về tuổi và điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở.

Theo quy định trên, điều kiện về kinh tế chỉ yêu cầu ở mức đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho đứa trẻ vừa đủ, không cần phải có điều kiện kinh tế quá cao.

Do chưa biết tình hình cụ thể của bạn thế nào nên chúng tôi không thể đưa ra kết luận là bạn có đủ điều kiện nhận con nuôi hay không. Tuy nhiên, bạn có thể trình bày cụ thể hoàn cảnh gia đình khi nhận nuôi để có thể được xem xét nhận nuôi con nuôi.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan