Điều kiện được kết nạp Đảng mới nhất hiện nay là gì?

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là mong muốn của không ít người. Vậy điều kiện được kết nạp Đảng theo quy định mới nhất hiện nay thế nào?

1. Điều kiện được kết nạp Đảng theo quy định hiện nay thế nào?

 

Tôi là giáo viên một trường cấp 3 của tỉnh Hà Tĩnh, tôi đang được trường giới thiệu trong đợt kết nạp Đảng sắp tới. Cho tôi hỏi, tôi cần đáp ứng những điều kiện nào để được kết nạp vào Đảng. (Minh Hiền – hienpm…@gmail.com).

 

Trả lời:
Theo quy định tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Quy định 29-QĐ/TW năm 2016, để trở thành Đảng viên phải đáp ứng nhiều điều kiện sau đây:

– Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng);

– Phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên;

– Là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm;

– Tự nguyện và thừa nhận thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ Đảng viên, hoạt động trong một số tổ chức cơ sở Đảng;

– Có lý lịch rõ ràng, trong sáng thông qua thẩm tra lý lịch khắt khe với cả bản thân người đó và người thân của họ;

– Được hai Đảng viên chính thức giới thiệu. Trong đó, người giới thiệu phải có ít nhất 01 năm cùng công tác, có trách nhiệm báo cáo chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực và chịu mọi trách nhiệm về sự giới thiệu của mình;

– Trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong thời gian này, Đảng viên dự bị phải tiếp tục rèn luyện.

Dieu kien duoc ket nap Dang

Điều kiện được kết nạp Đảng mới nhất hiện nay là gì? (Ảnh minh họa)

2. Quy trình, các bước kết nạp Đảng mới nhất

 

Tôi hiện đang là Đảng viên sinh hoạt tại phường. Sắp tới, tôi được tín nhiệm giới thiệu một cán bộ trong phường kết nạp Đảng. Cho tôi hỏi, các bước xem xét kết nạp Đảng viên mới nhất hiện nay như thế nào? (Minh Phước – Quảng Nam).

 

Trả lời:
Việc xem xét kết nạp Đảng viên được thực hiện theo các bước chính sau đây:

Bước 1: Học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Sau khi hoàn thành sẽ được cấp giấy chứng nhận do trung tâm bồi dưỡng chính tri cấp huyện hoặc tương đương cấp.

Bước 2: Họp và giới thiệu vào Đảng

Các đơn vị sẽ tổ chức họp xem xét kết nạp và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm sau đó gửi hồ sơ lên cấp trên.

Bước 3: Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét kết nạp Đảng

Người vào Đảng phải tự làm đơn xin vào Đảng. Đồng thời, tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực, chịu trách nhiệm về những nội dung đã khai.

Bước 4: Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

Người được giới thiệu kết nạp vào Đảng bắt buộc phải được thẩm tra lý lịch người vào Đảng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Bước 5: Xét kết nạp

Theo Hướng dẫn 09-HD/TW, hồ sơ Đảng viên khi được kết nạp vào Đảng gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

– Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng;

– Đơn xin vào Đảng;

– Lý lịch của người vào Đảng và các văn bản thẩm tra kèm theo;

– Giấy giới thiệu của Đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ;

– Nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc của công đoàn cơ sở;

– Nghị quyết xét, đề nghị kết nạp Đảng viên của chi bộ, Đảng ủy cơ sở…

Bước 6: Tổ chức lễ kết nạp

Kể từ ngày có quyết định kết nạp, chi bộ phải tiến hành kết nạp Đảng viên trong thời hạn 30 ngày làm việc (căn cứ vào khoản 4.1 Điều 4 Quy định 29-QĐ/TW).

Bước 7: Đảng viên rèn luyện, học tập trong thời gian dự bị 12 tháng

Theo Điều 5 Điều lệ Đảng, người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng tình từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.

Bước 8: Chuyển Đảng chính thức

Kể từ ngày Đảng viên hết 12 tháng dự bị, trong thời hạn 30 ngày làm việc, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho Đảng viên. Nếu không đủ điều kiện thì đề nghị cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định xóa tên.

Lưu ý, dù chi bộ họp chậm, cấp ủy chuẩn y chậm thì Đảng viên dự bị khi đã đủ điều kiện công nhận là Đảng viên chính thức vẫn được công nhận đúng thời điểm hết 12 tháng dự bị.

3. Khi nào Đảng viên được xin ra khỏi Đảng?

 

Tôi hiện đang là cán bộ văn thư tại Ủy ban nhân dân xã, tôi là Đảng viên đã hơn 10 năm. Đó là một vinh dự cho bản thân và gia đình tôi. Tuy nhiên, do điều kiện tôi mới sinh thêm con nhỏ, chồng tôi mới chuyển công tác xa nhà, nên toàn bộ việc nhà, tôi phải cáng đáng hết. Vì thế, tôi không thể thu xếp được thời gian để tiếp tục sinh hoạt Đảng đều đặn, đồng thời cũng vướng mắc nhiều yếu tố khiến tôi không thể tiếp tục làm tốt vai trò một Đảng viên. Do đó, tôi muốn xin ra khỏi Đảng. Cho tôi hỏi, tôi có thể làm đơn xin ra khỏi Đảng được không? (Nguyễn Phương Huyền – huyennp…@gmail.com – Kiên Giang).

 

Trả lời:
Nếu Đảng viên muốn xin ra khỏi Đảng thì phải làm đơn, nêu rõ lý do xin ra khỏi Đảng và báo cáo chi bộ (theo khoản 11.2 Điều 11 Hướng dẫn số 01-HD/TW).

Chi bộ, Đảng ủy bộ phận hoặc Đảng ủy cơ sở sẽ xem xét, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xét, quyết định cho người này ra khỏi Đảng và làm thủ tục xóa tên trong danh sách Đảng viên.

Đặc biệt, quy định này nêu rõ, chỉ xem xét cho ra khỏi Đảng những Đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Nếu vi phạm tư cách Đảng viên thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới xét cho ra khỏi Đảng.

Đồng thời, tại Quy định 30-QĐ/TW năm 2016 về thi hành kỷ luật trong Đảng cũng khẳng định:

Nếu Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.

Như vậy, nếu có lý do chính đáng, chưa vi phạm về tư cách, làm đơn xin ra khỏi Đảng thì Đảng viên sẽ được xem xét, quyết định cho ra khỏi Đảng theo quy định. Nếu có vi phạm thì phải xử lý kỷ luật Đảng sau đó mới xem xét cho ra khỏi Đảng.

4. Nếu đã làm đơn xin ra khỏi Đảng có được kết nạp Đảng lại không?

 

Năm 2017, do gia đình gặp nhiều biến cố lớn, thời điểm đó, tôi xét thấy không thể tiếp tục hoàn thành tốt trách nhiệm và nhiệm vụ của một Đảng viên nên tôi đã làm đơn xin ra khỏi Đảng và đã được chi bộ nơi tôi sinh hoạt Đảng đồng ý. Hiện nay, do đã thu xếp ổn thỏa mọi việc, với sự động viên của gia đình cùng các Đảng viên nơi tôi đang công tác, tôi có nguyện vọng xin được kết nạp Đảng lại. Tôi băn khoăn không biết nguyện vọng này của tôi có hợp lý không và có được duyệt không? (Quyennn…@gmail.com – Phú Thọ).

 

Trả lời:

Một người đã ra khỏi Đảng chỉ được xem xét kết nạp lại nếu đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm 3.5.1 khoản 3.5 Điều 3 Quy định 29-QĐ/TW, cụ thể:

– Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng như từ 18 tuổi trở lên, qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm…

– Làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng sau ít nhất 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng, được Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định;

– Thực hiện đúng theo thủ tục kết nạp Đảng viên.

Lưu ý: Những Đảng viên được kết nạp lại phải trải qua thời gian dự bị và chỉ được kết nạp lại một lần.

Như vậy, có thể thấy, với trường hợp có lý do gia đình đặc biệt khó khăn phải xin ra khỏi Đảng sẽ được xem xét, kết nạp lại vào Đảng.

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan