Cấm cư trú là gì? Thủ tục cấm cư trú thực hiện như thế nào?

Bài viết sau sẽ giải thích cấm cư trú là gì và thủ tục cấm cư trú thực hiện như thế nào theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.

Cấm cư trú là gì?

Tại Điều 42 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cấm cư trú như sau:

Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.

Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Trong pháp luật hình sự, cấm cư trú được quy định là một trong những hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính.

Theo đó, cấm cư trú là người khi bị kết án phạt tù sẽ không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.

Về tính chất, cấm cư trú là hình phạt hạn chế tự do như hình phạt quản chế nhưng ở mức độ thấp hơn. Tuy nhiên, trái ngược với cấm cư trú, quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát và giáo dục của chính quyền địa phương.

Việc cấm cư trú ở một số địa phương nhất định nhằm mục đích cách li người bị kết án nơi điều kiện dễ thúc đẩy họ phạm tội lại, qua đó củng cố thêm kết quả giáo dục, cải tạo.

Thi hành án phạt cấm cư trú

Khoản 9 Điều 3 Luật Thi hành án Hình sự quy định về thi hành án phạt cấm cư trú như sau:

Thi hành án phạt cấm cư trú là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án không được tạm trú, thường trú ở một số địa phương nhất định theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Về thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú, Điều 107 Luật Thi hành án 2019 quy định:

– 02 tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc trả tự do cho phạm nhân cho Công an cấp huyện, UBND cấp xã nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú.

– Sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự nơi người đó chấp hành án gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.

– Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản trên, Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt cấm cư trú và sao gửi các tài liệu cho UBND cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú và UBND cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú.

– Trong 07 ngày kể từ ngày nhận được các tài liệu, hồ sơ như trên, UBND cấp xã nơi người chấp hành án cư trú sẽ triệu tập người chấp hành án và yêu cầu cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án.

– Trước khi hết thời hạn cấm cư trú 03 ngày hoặc trong 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, UBND cấp xã nơi người chấp hành án cư trú bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án cho Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú.

Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú phải gửi cho người chấp hành án, UBND xã nơi người chấp hành án cư trú, UBND xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú có trụ sở.

– Trong trường hợp người chấp hành án chết, UBND xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, UBND xã nơi người chấp hành án cư trú, UBND xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

Trên đây là giải thích cấm cư trú là gì? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.

Xem thêm:

Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai hiện nay thế nào?

Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?

Share:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn
Luật Dân Việt

Luật Dân Việt

Luôn đồng hành và hỗ trợ tư vấn pháp lý tới mọi người !

Tin mới

Bài viết liên quan